Việc chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái đúng kỹ thuật sẽ giúp lợn có tỷ lệ thụ thai cao, số lượng lợn con nhiều, trọng lượng lợn sơ sinh lớn và sức sống cũng tốt hơn; đồng thời lợn mẹ sau sinh cũng có thể trạng tốt, tiết sữa nhiều, thời gian động dục trở lại sớm.
1. Nhận biết lợn nái mang thai
Cần phát hiện lợn nái chửa để có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý, đảm bảo cho lợn mẹ và bào thai phát triển khỏe mạnh, tránh các bệnh lý không mong muốn
Cách phát hiện lợn nái chửa
Lợn nái chửa thường có biểu hiện hay nằm sấp, tứ chi và thành bụng xuất hiện phù thũng. Bầu vú to lên và bè ra. Lợn yên tĩnh, ăn uống tốt và ngủ ngon, bụng phát triển to lên rõ rệt. Lợn không có biểu hiện động dục trở lại sau 21 ngày kể từ lúc phối giống.
2. Nuôi dưỡng lợn nái chửa
Chế độ ăn uống của lợn nái chửa vô cùng quan trọng. Ăn uống khoa học sẽ giúp lợn mẹ có thể trạng tốt nhất, số lượng lợn con nhiều và phát triển khỏe mạnh, lợn mẹ sau sinh tiết sữa nhiều và sớm động dục trở lại. Bà con nên chú ý mức ăn cho lợn nái chửa theo từng giai đoạn và từng giống lợn.
Thức ăn và cách cho ăn
Thức ăn cho lợn nái chửa phải đảm bảo chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Tránh cho lợn ăn những thức ăn ôi, thiu, mốc… Lợn nái ăn phải những thức ăn này dễ bị tiêu thai, thai gỗ, sảy thai hoặc lợn con đẻ ra nhẹ cân, thể trạng yếu ớt. Cho lợn ăn đúng giờ để kích thích tính thèm ăn, khi đổi khẩu phần ăn phải thay đổi từ từ cho lợn quen dần.
Mức ăn của lợn nái chửa trong ngày tùy thuộc vào thể trạng lợn gầy, béo hay bình thường. Nếu lợn nái gầy, cần cho ăn tăng cường, ngược lại nếu lợn nái quá béo phải giảm thức ăn đã phối trộn và tăng thức ăn thô xanh.
Lợn nái mang thai thường háo nước, cần chuẩn bị sẵn nước sạch, thay nước mới hàng ngày và cọ rửa máng nước thường xuyên.
Vệ sinh phòng bệnh: Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống và chuồng trại. Tiêm phòng cho lợn nái chửa trước thời gian dự kiến đẻ 15 ngày theo đúng quy định thú y. Có sổ và ghi đầy đủ tình trạng sức khỏe, lượng thức ăn và vắc xin phòng bệnh.